Với những bông hoa kiều diễm và đa dạng về màu sắc như màu trắng, màu vàng, màu cam, tím… hoa lan Thủy tiên đã chinh phục được mọi người, nhất là người trồng và yêu Phong Lan. Có thể trồng lan Thủy tiên được nhưng chưa chắc đã ra hoa được nếu như chúng ta không theo đúng quy trình kỹ thuật.
Nội dung
Đặc điểm của lan Thủy tiên
Lan Thủy tiên còn có tên gọi khác là Phong Lan Kiều hay hoa Đèn Lồng. Vì sao lại có tên như vậy. Gọi là lan Thủy tiên chắc bởi do nhìn nó hơi giống với hoa Thủy Tiên, còn một số người gọi là hoa Đèn Lồng cũng bởi nó có hoa tròn tròn, dài dài giống với cái đèn lồng, còn cái tên Phong Lan Kiều là người ta muốn ví vẻ đẹp của Phong Lan Kiều giống với vẻ đẹp của nàng Kiều trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào văn sỹ Nguyễn Du, một nét đẹp nghiêng nước nghiêng thanh, tài sắc đều vẹn toàn, khiến cho hoa phải ghen, liễu phải hờn.
Mặc dù hoa lan Thủy tiên rất đẹp nhưng cũng rất nhanh tàn, hoa chỉ tươi được khoảng 10 ngày là tàn, và quá trình chăm sóc để cho lan Thủy tiên ra hoa cũng không hề đơn giản.
Cách trồng và chăm sóc lan Thủy tiên
Chọn giống
Nếu mua Phong Lan bóc từ rừng về, nếu muốn cho hoa nở đều đẹp thì bạn nên chọn nguyên bản là tốt nhất. Hoa sẽ nở không đều mà chùm nở trước, chùm nở sau không đẹp nếu như bạn đem ghép nhiều khóm nhỏ vào 1 giò.
– Chọn những giả hành xanh tươi, vuông đều, không bị teo tóp, không bị gập.
– Nếu được thì bạn chọn giả lớn, vì sẽ làm cây Phong Lan nhanh hồi sức, nhanh bật mầm, và hạn chế được tình trạng cây con nhỏ hơn cây mẹ.
– Chọn những chòm Phong Lan mà lá còn nguyên vẹn, không bị dập nát, loang nổ, thủng hoặc bị đốm.
– Lan Thủy tiên có thể trồng vào mùa nào cũng được vì cây không có mùa nghỉ hay lá dụng khi ra hoa, nhưng tốt nhất trồng trước khi mầm ở gốc bật lên vào khoảng mùa đông đến mùa xuân ( tháng 10- 3 âm lich lich năm sau).
Xử lý giống
– Cắt tỉa rễ cho gọn gàng, những rễ hỏng, rễ khô, lá hỏng lá vàng, lá gãy dập, lá khô, vòi hoa cũ đều cắt bỏ hết cho gọn gàng. Rễ thì cắt chỉ chừa lại 3 – 5cm cho nó bám vào giá thể là được, nếu để lại rễ quá dài thì sau 1 thời gian rễ cũng thối và chết, làm cho cây phát triển chậm lại, rễ mới sẽ lâu ra hơn.
– Sau đó đem nhúng toàn bộ cây Phong Lan vào dung dịch Physan 20 nồng độ 1ml/1lít nước trong 5-10 phút rồi vớt ra ra đem treo lên cho cây Phong Lan ráo nước.
– Tiếp tục ngâm Phong Lan vào chất kích thích ra rễ, và nảy mầm như B1+ Atonik trong khoảng 10- 30 phút
– Vớt ra để ráo nước và đem ghép được ngay, trong trường hợp chưa có giá thể thì vớt Phong Lan ra và treo ngược ở chỗ mát, ẩm vài ngày đến vài tuần thậm chí đến khi nảy mầm mới cũng được.
– Khi vừa mới ghép xong thì chỉ cần chiếu nắng cho Phong Lan 50%, khi rễ đã mọc dài và bám chặt thì chiếu sáng 70%.
Lựa chọn giá thể trồng
Để giúp những cây lan Thủy tiên phát triển tốt thì bạn nên lựa chọn giá thể phù hợp với cây và trong giá thể phải cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây, giúp cây phát triển tốt hơn.
Hiện tại bà con có thể lựa chọn rất nhiều những giá thể khác nhau như: Lũa, Than, Xơ dừa, Dớn cọng, Dớn bảng, Dớn xốp, Rêu rừng, Vỏ thông, mùn cưa… Mỗi loại có những ưu và nhược điểm khác nhau. lan Thủy tiên không thích bị dịch chuyển và thay chậu nhiều, vì vậy nên chọn những chậu to và có tuổi thọ tầm 5 – 10 năm, thoáng khí là tốt nhất.
Ưu nhược điểm của các loại giá thể trồng
Lũa
+ Ưu điểm: Là nhìn rất đẹp, tính thẩm mỹ cao, Phong Lan ra nhiều rễ, không bị sên, bọ trĩ hay cuốn chiếu… hại.
+ Nhược điểm: Quá khô nên năm nhất và năm 2 giả hành mọc lên sẽ nhỏ, ngắn hơn giả hành mẹ, lá của giả hành bà và cụ sẽ bị vàng và dụng mất (giả hành 5 – 7 tuổi vẫn còn giả hành là bình thường), hơi bị tốn phân.
Chậu
+ Chậu đất hay chậu nhựa đều được, nếu trồng để kinh doanh thì nên chọn chậu nhựa, nếu trồng để chơi thì nên chọn chậu đất nung hoặc chậu sành. Tùy vào tình hình thoát nước của chậu mà có chế độ tưới nước hợp lý.
+ Nếu muốn chuyển Phong Lan từ chậu nhựa sang chậu đất nung hoặc chậu gỗ cho đẹp thì khi mua Phong Lan về bạn cho cả chậu Phong Lan ngâm vào nước 30 phút, rồi nắn bóp xung quanh chậu cho rễ tách ra khỏi chậu, sau đó nhấc nguyên giò Phong Lan lên và đặt vào chậu khác, một vài sợi rễ đứt cũng không ảnh hưởng gì.
+ Chậu gỗ: Nên chọn những chậu bền và nặng (chậu làm từ gỗ tốt thì thường sẽ bền và nặng).
+ Chất trồng: Chất trồng có thể dùng đất nung, than đem ngâm 10 ngày thay nước 10 lần, dớn vụn ( có thể là dớn đá, dớn nâu, dớn cù lần, dớn xốp đều có thể dùng được). Những loại dớn như xơ dừa, dớn trắng, mùn cưa thì không nên dùng vì những loại này nhanh mục làm bít chậu, khó thoát nước, gây úng rễ. Cũng có thể dùng gỗ cục to bằng ngón tay cái cứng và không có dầu. Nếu có điều kiện thì dùng vỏ thông để trồng là tốt nhất.
Gỗ
+ Nếu dùng gỗ để ghép Phong Lan thì thanh gỗ dùng để ghép nên bóc bỏ hết vỏ đi. Chọn những loại gỗ cứng, không có dầu và bền với nước như gỗ dẻ, vải, vú sữa già, nhãn, trắc, gỗ bằng lăng, chà rằng, lõi mít, chiu chiu …
+ Nhược điểm của gỗ là, tính thẩm mỹ không cao, gỗ cứng có giá thì cũng không hề rẻ.
Dớn bảng, dớn khúc
+ Nếu như bạn kiếm được bảng dớn thật to, dày khúc dớn thật lớn thì thật quá tuyệt vời. Bạn chỉ cần ngâm dớn bảng, sớn khúc trong nước nửa tiếng rửa sạch làm móc treo là dùng được. Ưu điểm của loại dớn này là tưới nước hay bón phân đều rất dễ dàng, độ ẩm vừa phải, Phong Lan có điều kiện phát triển ổn định, rễ nhanh chóng bám vào giá thể.
* Chú ý: Nên trồng lan Thủy tiên thẳng đứng, hướng mầm quay đều về các hướng thì khi nở hoa sẽ rất đẹp. Luôn giữ cho gốc Phong Lan không bị lung lay khi trồng thì rễ mới nhanh bám vào giá thể được.
Chế độ tưới nước và bón phân
Sau khoảng 10 ngày bà con tiến hành xịt B1 và Atonik 1 lần. Tưới ngày 1 lần vào giá thể. Cây đã hồi, cho cây ăn nắng 50-70% tùy giá thể.
– Cũng không quá khó khăn để trồng lan Thủy tiên, chỉ cần tưới nước đều đặn mà không bón phân thì cây vẫn ổn, tuy nhiên nếu được bón phân thì cây sẽ phát triển hơn.
– Có thể dùng chế phẩm sinh học để phun 1 tuần 1 lần, phun đến khi Phong Lan chuẩn bị ra nụ và ra hoa thì ngừng. Đến khi hết hoa ta lại phun tiếp.
– Khi nào rễ dài được 5 cm thì rắc 1 chút phân tan chậm, hoặc gắn túi phân tan chậm nhỏ ( phân chỉ, phân xám) là xong. Đến khi dụng hết lượt hoa của năm sau thì ta thay túi phân khác, bỏ túi phân cũ đi.
– Phun nano đồng + trung,vi lượng từ 1 tuần đến nửa tháng 1 lần.
– Nếu khí hậu không thuận lợi cho việc ra hoa thì vào tháng 11 âm lịch nên phun thêm phân siêu lân (10-60-10+te) hoặc NPK 6-30-30+te….để kích thích việc tạo mầm hoa. Tiếp tục phun đến khi vòi nụ nhú ra bằng hạt gạo thì không phải phun thêm phân gì nữa. Từ tháng 11 trở đi bạn cũng nên giảm dần lượng nước tới cho Phong Lan, lúc đầu là giảm xuống 1/2 so với bình thường, sau đó giảm xuống 1/4 so vói bình thường.
– Hoa của Thủy Tiên chỉ nở được 7 -10 ngày là tan, tuy nhiên nếu biết cách chăm sóc bạn có thể giữ cho hoa tươi lâu được 15 -20 ngày.
Phòng trừ sâu bệnh cho lan Thủy tiên
– Phòng nhện đỏ, rầy, và rệp thì cứ nửa tháng phun Pesieu+Movento 1 lần, phun đẫm mặt lá, nách lá, và cả giả hành, dùng 3 đến 4 lần thì sẽ đạt hiệu quả, thuốc này ít độc hại.
– Phun nano bạc đan xen Agrifos 400 cũng nửa tháng phun 1 lần, phun đẫm giá thể và gốc. Nhớ chỉ pha Agrifos 400 theo tỉ lệ 60ml với 16 lít nước, nếu bạn pha quá tay là Phong Lan sẽ hỏng đó.
– Nếu bạn phòng ngừa đầy đủ thì không cần phải lo vấn đề trị bệnh. Nếu như Phong Lan bị bệnh thì dùng các loại thuốc bảo về thực vất để loại trừ.
Kỹ thuật trồng lan Thủy tiên không quá khó phải không nào. Chúc tất cả các bạn thành công!