Vào mùa hè, nếu không có chế độ chăm sóc phù hợp có thể khiến Lan bị chết vì nhiệt độ cao hoặc thiếu nước. Vì thế, cần có biện pháp chống nóng cho Lan cũng như bổ sung lượng nước tưới và chăm sóc phù hợp.
Nội dung
Chống nóng cho Lan bằng cách che lưới
Công việc đầu tiên và quan trọng nhất cho bất cứ giàn Lan nào là phải che lưới, ở dưới đất che một kiểu, một loại lưới, ở trên sân thượng bắt buộc phải che một kiểu khác, loại lưới thưa hay mau dùng cho sân thượng lại phụ thuộc vào vị trí giàn lan, có bị các nhà xung quanh che lấp không, che bao nhiêu mặt, hướng chính là hướng nào? môi trường xung quanh nơi mình sinh sống ra sao?
– Thường thì hướng Đông Nam dùng loại lưới thưa hơn Hướng Tây nam, hướng Đông Bắc dùng loại lưới mau hơn hướng Tây bắc, hướng Đông Nam có gió nhiều vào mùa mưa, dùng lưới thưa luôn luôn tạo độ thông thoáng cho vườn.
– Hướng Tây nam nắng nhiều vào mùa hè dùng lưới giảm sáng nhiều (70-80%), giảm nhiệt cho vườn.
– Hướng Đông bắc gió lạnh rất nhiều ở các tỉnh phía Bắc vào mùa đông, mùa hè thì nắng gay gắt nhất vào lúc trưa cũng phải dùng lưới gảm sáng nhiều (70%), thậm chí mùa đông còn phải che thêm bằng nylon.
– Hướng Tây Bắc ít gió nhưng mỗi khi có gió thì lại là những cơn gió khô, trồng cây ở hướng này phải kỵ những loại đơn thân, chỉ thích hợp với một số loại Hoàng Thảo.
– Sau khi che lưới rồi thì đến công đoạn tạo vùng tiểu khí hậu cho vườn, sao cho nhiệt độ bên trong lưới và ngoài lưới chênh lệch nhau ít nhất từ 3-5 độC, độ ẩm chênh lệch từ 5- 10% thì mới đạt yêu cầu tối thiểu để trồng Lan.
Đây có lẽ là biện pháp dễ nhất mà bất cứ ai cũng có thể nghĩ ra. Thay vì sử dụng 1 lớp lưới che nắng cho Lan, bạn có thể căng thêm một lớp lưới nữa để chống nắng cho Lan. Tăng cường lưới giúp cản trở lượng ánh nắng mặt trời, từ đó hạ thấp nhiệt độ cây lan hấp thụ vào.
Bạn có thể sử dụng lưới xanh hay lưới đen tùy thích, tuy nhiên đừng thấy nắng quá mà sử dụng vải căng nhé. Sử dụng vải gây bí bách, không thoáng gió, đồng thời còn giữ nhiệt lại nên càng làm tình hình tệ hại đi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
Chống nóng cho Lan bằng cách tưới nước
Để đảm bảo giò lan không bị khô nóng, nắng gắt, bạn phải có một chế độ nước tưới cực hợp lý. Tuyệt đối không tưới vào buổi sáng bởi nắng lên sẽ đốt nóng giò lan của bạn nhanh chóng và rất có khả năng biến thành lan “luộc”. Thay vì thế, bạn nên tưới vào buổi tối, lúc giò lan đã đạt nhiệt độ thấp nhất trong ngày. Thời gian tưới lan phù hợp nhất là khoảng 8-9 giờ tối.
Tuy nhiên, không nên mang vòi phun ra tưới luôn mà các bạn hãy làm mát giàn lan một cách từ từ cho hạ thấp nhiệt độ đã rồi mới tiến hành tưới cây. Nên tận dụng nước làm ướt nền bằng cách đổ nước thật đẫm và phun sương xung quanh giàn khi đã tắt nắng, thường là khoảng 7h. Đến khi nền giàn lan của bạn không còn cảm giác hơi nước nóng bốc lên nữa là ổn. Sau 1 đến 2 tiếng thì giàn lan đã bắt đầu hạ nhiệt, lúc này ta bắt đầu tưới đẫm cho cây có thể hạ nhiệt.
Các bạn lưu ý nước tưới cây không được nóng cũng như không nên tận dụng nước lạnh ( nước đá mát) để hạ nhiệt cho giò lan. Nước lạnh làm cây lan bị sốc nhiệt dễ gây hỏng bộ rễ và lá, làm tổn thương trực tiếp cây lan. Bạn cứ sử dụng nước tưới bình thường, nên kiểm tra nhiệt độ vừa phải trước khi tưới cây. Lưu ý: Khi tưới ở dạng phun sương, làm mát giò lan một cách từ từ hạn chế sốc nhiệt đến khi giò lan được nước làm mát hoàn toàn. Lúc này ta bắt đầu tưới đẫm cho cây là được.
Chống nóng cho Lan bằng cách thay đổi vị trí giò Lan
– Xếp các giò lan, chậu lan khít nhau hơn
– Hạ thấp giò lan xuống mặt đất tránh nóng cho lan hiệu quả
– Giữ vườn thoáng gió để chống nóng cho lan
Lưu ý:
- Nếu bạn muốn cây Lan sống tốt, tốt nhất hãy chờ qua mùa nắng gắt rồi mới bón phân.
- Không tưới nước khi nhiệt độ cây còn rất cao: Đây là điều quan trọng đặc biệt mà có lẽ nhiều người mới chơi không biết. Mặc dù cây lan của bạn có đang nóng đến mấy, cháy lá, héo lá đến mấy cũng phải treo vào chỗ mát hoặc làm môi trường xung quanh nó mát đã rồi đợi cây hạ nhiệt mới được tưới. Bạn cho nguyên giò lan đang nóng bỏng vào nước mát sẽ làm tổn thương cơ giới của cây, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập và phát triển nhanh chóng.
Phòng trừ sâu bệnh cho Lan vào mùa hè
Không giống như mùa mưa, mùa hè ít sâu bệnh nên việc phòng trừ sâu bệnh cho Lan đơn giản hơn, chỉ cần sử dụng thuốc trừ sâu và nấm 800-1000 phun định kỳ 2 lần một tháng là được.
Lưu ý: Nên phun vào thời điểm trước 9 giờ sáng, nhiệt độ 30 độ C và không có ánh sáng trực tiếp lên cây để hạn chế tác dụng phụ. Song song đó, nên lưu ý đến việc nhổ cỏ trong chậu để tránh sự lây lan.
Chăm sóc các loài Lan nói chung vào mùa hè đơn giản hơn mùa mưa, chỉ cần lưu ý bổ sung nước và điều chỉnh lượng ánh sáng phù hợp là được. Chúc bạn có vườn Lan đẹp!