CHUYÊN MỤC

Các loại giá thể trồng Lan phổ biến nhất

Giá thể (chất trồng) trồng hoa Lan rất quan trọng, liên quan đến suốt quá trình sinh trưởng và phát triển cũng như hiệu quả kinh tế. Giá thể là môi trường sống của Lan, tùy thuộc vào từng loại Lan, điều kiện trồng trọt để chọn giá thể phù hợp. Trong trồng Lan công nghiệp hay quy mô hộ gia đình có thể sử dụng các loại giá thể sau:

Giá thể xơ dừa

Xơ dừa là nguyên liệu rất cần trong thành phần giá thể nuôi trồng Lan, xơ dừa có nhược điểm là dễ mọc rêu, không thoáng, dễ mục, mặt trên mau khô và nhẹ nên cây trong chậu hay bị đổ. Do vậy khi dùng xơ dừa trồng trong chậu phải chú ý chế độ tưới không để bị ngậm nước gây thối rễ. Nên dùng để lót đáy chậu hay rổ treo hoặc trồng những loại Lan cần ráo nước. Cần chú ý các loại xơ dừa đều có nhiều muối ở trong, nên cần phải ngâm nước vài ngày, xả cho sạch rồi mới trồng được.

Giá thể xơ dừa

Giá thể xơ dừa

Tự làm xơ dừa bằng cách mua dừa trái về, bóc ra, lấy búa đập nát, phơi khô, ngâm nước vài lần trong vài ngày để rửa sạch muối (Nên ngâm khoảng 5 ngày và thay 10 lần nước). Có thể ngâm nước vôi trong rất tốt. Dùng làm tã hoặc giá thể ươm kei đều rất tốt. Độ bền khoảng 2 -3 năm, các giống Lan Laelia không ưa trồng bằng xơ dừa.

Giá thể vỏ cây

Vỏ cây cũng là loại nguyên liệu quan trọng trong giá thể trồng Lan, có rất nhiều vỏ cây có thể làm giá thể trồng Lan nhưng nên chọn loại cây nào lâu mục để không làm chậu Lan bí, đọng nước gây thối rễ, đồng thời vỏ cây cũng là môi trường thích hợp cho một số loại sâu hại rễ Lan sinh sống, do vậy trồng Lan bằng vỏ cây cần phải quan sát tình trạng của vỏ cây để thay chậu. Trong các loại vỏ cây thì vỏ thông là loại vỏ cây thích hợp nhất cho trồng Lan vì trong vỏ thông có chất resin có tính sát khuẩn cao, lâu mục, không đóng rêu và ít các mầm bệnh gây hại.

Giá thể vỏ thông

Giá thể vỏ thông

 

Vỏ thông và mùn cưa là một loại giá thể có thể đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật và kinh tế nhưng lại nghèo dinh dưỡng. Vỏ thông và mùn cưa tươi không dùng được vì hàm lượng dầu còn cao, có thể làm hư bộ rễ. Trước khi sử dụng cần phải ủ cho hoại mục. Khi ủ, trộn 1 m3 vỏ thông xay nhuyễn với 10 kg apatit, 10 kg vôi, 1 kg các loại phân vô cơ khác (KCl, K2SO4) thời gian ủ trên 6 tháng. Trong khi ủ cần tưới ẩm thường xuyên. Có thể dùng vỏ thông thuần túy hay trộn với các loại khác như dớn, than vụn, gạch vụn để làm giá thể.

Giá thể dớn

Dớn là gì?

Dớn là sợi của thân và rễ cây dương xỉ, dớn không bao giờ bị rêu đóng và hút ẩm rất tốt, tuy nhiên nếu chỉ trồng riêng dớn thì chậu Lan cũng không có độ thoáng. Không nên lấy dớn quá vụn vì dễ bị mục nát, gây bí, không thoát nước ở chậu Lan.

Cho đến nay, dớn vẫn là loại tốt nhất cho Cymbidium vì giữ ẩm cao, thông thoáng, giàu dinh dưỡng (nhất là K và N), chậm phân hủy. Nhưng hiện nay trữ lượng dớn ngày càng ít đi, giá khá đắt và việc khai thác dớn làm hư hại nhiều cho các khu rừng già. Để nuôi trồng Cymbidium ở quy mô lớn, dớn sẽ không đáp ứng đủ.

Có mấy loại dớn?

Hiện nay có 3 loại dớn chủ yếu được dùng phổ biến là: dớn đá, dớn cù lần và dớn sợi. Dớn sợ là giá thể được trồng nhiều nhất vì hình dáng kích thược nhỏ gọn, dễ dùng

Dớn đá

Sợi rễ đen, khá to, rất nặng, cực kỳ cứng, kết cấu giữa các rễ với nhau rất khít, chặt, độ giữ ẩm khá kém. Một cây dài 1,5m đường kính 40cm nặng ít nhất khoảng 50 ký. Loại này có thể để trụ, xẻ bảng, khoét chậu hoặc chặt vụn. Loại này băm vụn 1- 2cm từng cọng, cho vào chậu trồng các giống Lan có giả hành hoặc địa Lan, Lan hài rất tuyệt vời. Rất bền, trên 4-6 năm.

Giá thể dớn đá

Giá thể dớn đá

Dớn cù lần

Loại này cây thường không to và không cao lắm, cỡ 1-2m, bộ rễ nói chung là ít, chủ yếu tập trung ở gốc, trên thân giả có lông tơ rất mịn. Thân gỗ chỉ là thân giả có thể tách ra thành từng múi, mỗi múi cỡ ngón tay và có rất nhiều lông tơ rất mịn, khả năng giữ ẩm cao. Loại dớn này hầu như chỉ có băm vụn ra cho vào chậu. Riêng phần gốc có thể xẻ thành bảng. Nếu băm vụn rồi trồng Lan hài hoặc trộn với vỏ thông cỡ nhỏ 1cm trồng Lan hài hay địa Lan thì đó là sự lựa chọn rất tuyệt vời. Loại này bền khoảng 3-4 năm và có thể dùng để ươm keiki hoặc làm tã giữ ẩm cho Lan mới ghép trên gỗ hoặc lũa.

Giá thể dớn cù lần

Giá thể dớn cù lần

Dớn sợi

Dớn sợi (hay còn gọi là dớn vàng, dớn nâu): Rễ rất nhiều, mềm mại, đan xen nhau nhưng không quá chặt. Khi còn tươi khá nặng cỡ 40kg 1 cây dài 1,5m đường kính 40cm, nhưng khi khô rất nhẹ, chỉ còn khoảng chục ký. Loại dớn này thường dùng xẻ bảng, cưa khúc, thái lát mỏng làm tã, băm vụn cho vào chậu, hoặc để cả cây to rồi đổ bê tông 1 đầu cho đứng lên làm tác phẩm khủng. Khả năng thoát nước tốt và giữ ẩm vừa phải. Độ bền 3-4 năm. Trong ba loại trên, thì dớn đá giữ nước kém nhất nhưng bền nhất, dớn cù lần giữ nước là tốt nhất.

Giá thể dớn sợi

Giá thể dớn sợi

Giá thể rêu

Loại rêu bản xứ hoặc Canada mầu nâu đen hoặc nâu xanh không nên dùng vì phẩm chất xấu và trong rêu có nhiều chất làm cho cây Lan yếu đi. Chỉ nên dùng loại rêu nhập cảng từ New ZeaLand hoặc Brasil mầu vàng rơm để trồng Lan vì trong rêu có tác dụng trừ nấm mốc.

Khi trồng, không nên nén quá chặt mới chứa được nhiều nước rất tốt để trồng Lan trên cành cây và chậu gỗ nhưng quá đắt tiền, chóng hư mục và giữ muối cho nên cứ vài tháng phải xả nước cho nhiều hay ngâm trong nước.

Giá thể rêu

Giá thể rêu

Giá thể than củi

Than trồng Lan không phải là thứ than đốt lò đã làm sẵn từng viên, than phải đốt từ củi. Than có ưu điểm lâu bền từ 5-6 năm mới phải thay chậu và chỉ dùng một cỡ cho đủ thứ cây lớn nhỏ. Một số loại côn trùng trong đó sên không vỏ (Slug) không ưa sống trong than, do vậy giá thể có than đã hạn chế sự phá hại rễ của một số loại côn trùng. Nhược điểm than giữ chất muối và phân bón cho nên thỉnh thoảng (1-2 tháng) phải xả thật nhiều nước cho giá thể không bị mặn.

Giá thể than củi

Giá thể than củi

Giá thể đá núi lửa

Đá núi lửa có ưu điểm dễ ngấm nước, không bị mục, thoáng hơi và không quá nặng. Rất tốt để lót đáy chậu. Nhược điểm là giữ chất muối cho nên cứ 2 tháng phải xả nước cho sạch. Sên không vỏ ưa trú ngụ trong kẽ đá núi lửa này.

Giá thể đá núi lửa

Giá thể đá núi lửa

Giá thể đá bọt

Đá bọt rất nhẹ và thấm nước, dùng để trộn với vỏ thông hoặc rễ cây để cho thoáng khí rất thích hợp cho các loại Lan có rễ nhỏ.

Giá thể đá bọt

Giá thể đá bọt

Giá thể gỗ và lũa

Gỗ giữ nước kém, thoáng bộ rễ, dể tìm kiếm. Không nên dùng gỗ của cây có tinh dầu như thông ngo, dầu, gió bầu (trầm, kỳ nam)…. Nên khoan lỗ, đóng đũa để ghép cho dễ…. Các loại gỗ như vú sữa, nhãn, vải, dẻ, trò, cẩm, sao, dầu, bằng lăng…. Không nên ghép gỗ cà phê, mít, bơ, xoài (trừ trường hợp cây còn sống) vì độ bền mấy loại gỗ này rất tệ, 1-2 năm là nát nhuyễn. Tất cả các loại gỗ bạn nên bóc sạch vỏ.

Giá thể gỗ lũa

Giá thể gỗ lũa

Lũa là phần gỗ còn lại của cây đã chết sau một thời gian dài chịu sự tác động của nấm, vi khuẩn, đất, nước, gió, nhiệt, áp suất… Phần gỗ này có hình thù kỳ quái, hầm hố, bất định. Phần gỗ này cứng hoặc rất cứng, mối mọt cũng chán ăn. Nó có thể là gốc, rễ, mấu, cành hoặc lõi hoặc giác của cây.

CÁC TIN LIÊN QUAN