CHUYÊN MỤC

Tổng hợp các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại hoa Phong Lan

Như các cây trồng khác, cây Lan cũng bị gây hại do sâu bệnh. Sâu bệnh hại Lan là một trong những khó khăn và trở ngại của những người trồng Lan. Vì vậy, người trồng Lan phải hết sức lưu ý để có cách phòng trừ kịp thời. Sâu bệnh gây hại trên rễ, thân, giả hành và hoa. Trên rễ, thân và giả hành nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể làm cho cây suy yếu rồi chết.

Phòng và trị sâu bệnh hại hoa lan

Phòng ngừa sâu bệnh hại Lan

– Khi mua Lan về trồng cần phải kiểm tra kỹ lưỡng nếu cây khoẻ mạnh không bị sâu bệnh thì mới tiến hành trồng chung với những cây khác.

– Dọn vệ sinh vườn Lan sạch sẽ, thông thoáng. Trong giàn Lan không nên để  những cây lạ, to lớn (Ví dụ: xoài, chôm chôm…) trong vườn lan vì dễ bị lây bệnh.

– Không nên trồng nhiều tầng (Ví dụ: trên treo, dưới luống) vì nguồn bệnh cây trên (nếu có) sẽ lây xuống cây dưới thông qua việc tưới nước hay mưa.

– Khi giá thể trồng đã hư mục thì tiến hành thay kịp thời, tránh động nước, ẩm thấp. Thường xuyên sang chậu, kết hợp tách chiết Lan.

– Quan sát vườn Lan thường xuyên để phát hiện những cây bị sâu bệnh kịp thời cách ly, xử lý.

– Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh định kỳ cho Lan.

Phòng trừ bệnh hại Lan

Bệnh thối đen

Tác nhân: Nấm Phytophthora palmivora, Buti (Phytophthora cactorum, Shroet). Theo tài liệu của Hội hoa Lan Hoa Kỳ còn có thêm tác hại của nấm Pythium ultimum, Trow. cùng có một lúc hoặc riêng lẻ.

Triệu chứng: Bệnh này tiêu biểu và tai hại nhất cho bất kỳ họ nào của Lan, Cattleya đặc biệt dễ nhiễm bệnh. Bệnh nặng được quan sát vào mùa mưa ẩm hoặc trong suốt thời kỳ có sương mù của mùa lan. Cây sẽ bị chết sau một thời gian bị nhiễm bệnh. Nấm bệnh có thể tấn công bất kỳ bộ phận nào của cây Lan, tạo ra sự rữa nát của mô cây. Ở lá đầu tiên là những đốm ngậm nước lan rộng ra nhanh chóng và sau đó chuyển sang màu nâu hoặc đen.

Trong điều kiện lạnh và ẩm có thể thấy những khuẩn ty trắng trên vết bệnh. Cây bị chết khi sự nhiễm bệnh vươn tới đỉnh mầm. Nấm bệnh có thể tấn công bộ rễ hay phần ngọn, tạo nên những đốm hoại tử dần dần lan rộng lên hoặc xuống làm rụng cả bộ lá của cây. Hoa bị bệnh tấn công tạo thành vết hoại tử màu đen, có hoặc không có quầng. Hoa còn non bị bệnh thường bị rụng khỏi cuống hoa. Toàn cuống hoa có thể bị sẹo lõm xuống, nếu một vài phần bị nấm bệnh tấn công.

Phòng trừ:

+ Giữ sự thông thoáng trong vườn Lan, tránh trồng quá dầy.

+ Tưới ít nước vào mùa mưa ẩm, nhất là khi dự đoán được thời điểm bệnh bộc phát mạnh trong năm.

+ Tạo sự thoát nước tốt trong việc trồng Lan.

+ Giữ cây con tránh bị mưa trực tiếp bằng cách phủ bạt nylon trong suốt mùa mưa vì cây con rất dễ bị nhiễm bệnh.

+ Không dùng những cây bị nhiễm bệnh để nhân giống.

+ Phun thuốc trừ nấm đặc trị Fosetyl – aluminum (tên thương phẩm Aliette 80 WP). Aliette 80 WP là thuốc trừ nấm có tính lưu dẫn hai chiều từ lá xuống rễ và ngược lại. Phun ở nồng độ 1 – 2‰. (phần ngàn) phun cách nhau 5 – 7 ngày để trừ bệnh và 10 – 15 ngày một lần để phòng bệnh. Phun lúc bệnh chớm phát hoặc phun phòng vào thời điểm bệnh thường phát sinh nặng trong năm là tốt nhất.

Bệnh thối đen gốc

Tác nhân: Nhiều loại nấm gây ra nhưng phổ biến nhất là Fusarium oxysporum, Schiect.

Triệu chứng: Nấm gây bệnh qua bộ rễ hoặc nhánh non gần cổ rễ và lan dần lên cây. Các cây bị nhiễm bệnh nặng có thể chết 3 hoặc 6 tuần lễ sau khi bị nhiễm. Tuy nhiên, bình thường cây sẽ sống từ 1 năm hoặc lâu hơn trong trạng thái suy yếu liên tục. Bệnh được tìm thấy ở trong căn hành như một vòng hoặc một dải màu tím trong các lớp biểu bì và hạ bì với những chùm mạch hồng nhạt, cuối cùng toàn căn hành có thể bị nhiễm bệnh và chuyển sang màu tía.

Phòng trừ

+ Loại bỏ tàn dư bệnh và giá thể cũ.

+ Nhúng hay nhấn chìm cây bệnh từ 10 – 15 phút trong thuốc trừ nấm Thiophanate methyl (tên thương phẩm là Vithi M – 70 BTN) hoặc Iprodine (tên thương phẩm Rovral 50 WP). Pha nồng độ 1 – 2‰ (1 – 2 phần ngàn) cũng có thể phun qua lá cách nhau 7 – 10 ngày 1 lần.

Bệnh thán thư ( đốm vàng)

Tác nhân: Nấm Colletotrichum glocosporioides, Saco.

Triệu chứng: Bệnh xảy ra nặng ở vùng nhiệt đới hơn là ôn đới. Bệnh có thể tấn công bất kỳ các phần từ nào trên mặt đất. Lá thường bị tấn công nhiều nhất. Triệu chứng đầu tiên là lá có chấm tròn màu nâu đỏ chuyển sang nâu, lan rộng ra thành nhiều vòng đồng tâm. Có nhiều dạng tùy loại lan, có loại ở vòng ngoài có màu vàng, có loại ở vòng ngoài có màu nâu đậm hơn ở trong, sau cùng sẽ khô cháy. Vết bệnh ở giả hành theo dạng hình tròn hoặc không đều, lõm sâu nhiều hay ít, vàng tới xanh nhạt. Trên các hoa già hay yếu bị các đốm nhỏ tròn từ nâu tới đen phát triển trên lá đài và cánh hoa, các đốm này phủ lên một vùng rộng đôi lúc cả nụ hoa.

Phòng trừ

+ Khi bệnh xảy ra, cần chăm sóc cẩn thận và cách ly các cây nhiễm bệnh.

+ Giảm nhịp độ tưới nước, nên tưới vào sáng sớm để mau khô.

+ Phun thuốc trừ nấm Thiophanate methyl (tên thương phẩm Vithi M 70 BTN) hoặc Carbendazim (tên thương phẩm là Vicarben 50 BTN và 50 HP), pha nồng độ 1 – 2‰.

Bệnh thối nâu do vi khuẩn

Tác nhân: Vi khuẩn Pseudomonas gladioii (Pseudomonas cattleya, Savulescu).

Triệu chứng: Trong suốt mùa mưa bệnh trở nên quan trọng, bệnh lan rộng nhanh và gây hại nặng. Những cây lan thuộc giống Dendroblum hầu như đều nhiễm bệnh. Bệnh khởi đầu là một đốm nhỏ, ngậm nước trên lá, dưới điều kiện nóng và ẩm vết bệnh lan rộng ra dần cả lá. Phần bị bệnh thường có dạng nhũn, ướt trong đó vi khuẩn được lan truyền do nước văng tung tóe.

Phòng trừ

+ Chỉ nên mua hoặc tách chiết các cây không có mầm bệnh và cách ly ít nhất 4 tuần trước khi nhập chung vào vườn.

+ Cách ly những cây bệnh. Tưới ít nước cho cây trong suốt thời kỳ bệnh bộc phát và tưới vào lúc sáng sớm để mau khô.

+ Tránh gây thương tích cho cây trong suốt mùa mưa.

+ Giảm lượng phân đạm, gia tăng lượng kali.

+ Thuốc kháng sinh Streptomycin nitrate có thể hạn chế sự bộc phát bệnh, nên phun thuốc kháng sinh vào chiều tối, tránh phun lúc nắng gắt. Thuốc có thể độc cho những dòng lao Vanda. Thuốc trừ nấm gốc sulfate đồng hạn chế được vi khuẩn, có thể gây độc cho một số giống lan, đặc biệt có cây ra hoa và khi nhiệt độ trên 320C. Có thể phun thuốc Kasuran WP nồng độ 1 – 1,5‰. Tránh phun cho Lan con và không phối hợp hoặc phun liền ngay sau đó các loại thuốc có tính kiềm như lưu huỳnh, vôi và thiophanate methyl.

Bệnh thối mềm do vi khuẩn

Tác nhân: Vi khuẩn Erwinia carotorova (Jones) Holland.

Triệu chứng: Bệnh này thường gây hại trên nhiều loài rau cải, cây trang trí hoa và lá, lan các loại Cattleya, Oncidium, Cymbidium, Phalaenopsis, Vanda… Một loài vi khuẩn tên là Erwinia chrysanthemi được báo cáo từ lan Phalaenopsis. Vi khuẩn xâm nhập vào cây qua những vết thương tạo nên vết thối ướt với mùi hôi khó chịu. Vết thối lan nhanh trong lá và rễ, chậm ở căn hành và giả hành. Thời tiết khí hậu nóng và ẩm giúp bệnh phát triển mạnh. Vi khuẩn dựa vào nước mưa và nước tưới văng ra để di chuyển từ cây này sang cây khác.

Phòng trừ: Giống như cách phòng trừ bệnh thối nâu do vi khuẩn Pseudomonas gladioii.

Bệnh đốm vòng (đốm mắt cua)

Tác nhân: Do nấm Cercospora resae gây ra.

Triệu chứng: Vết bệnh là những đốm nhỏ, hình mắt cua, hình trong hơi lõm, ỡ giữa màu nâu nhạt, xung quanh có gờ nổi màu nâu đậm. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá bánh tẻ,lá già tạo thành nhiều vết nhỏ li ti làm lá vàng, nhanh rụng.

Phòng trừ: Dùng thuốc Topsin M 70 WD hoặc Score 250 ND, Bendazol, Carbenzim, Thio-M.

Bệnh đốm vòng

Tác nhân: Do nấm Alternaria rasae gây ra.

Triệu chứng: Vết bệnh hình tròn hoặc hình bầu dục, trên vết bệnh có các vòng đồng tâm khá rõ. Khi gặp thời tiết ẩm ướt, ấm áp, trên vết bệnh thường hình thành một lớp nấm mốc màu đen gồm cành và bào tử phân sinh của nấm gây bệnh. Bệnh thường gây hại trên các lá già, lá bánh tẻ làm lá vàng dễ khô rụng. Phòng trừ: Sử dụng Daconil 500 SC, Carbenzim + Dipomate, Cadilac.

Phòng trừ sâu hại Lan

Rệp vảy

Rệp thường bám trên các thân giả hành còn non. Phòng trị bằng cách dùng bàn chải chà xát rồi nhúng cây lan vào dung dịch thuốc Malathion 50 pha loãng, Sagosuper 20EC.

Bọ trĩ

Gây hại chủ yếu trong mùa nắng. Dùng Malathion 5 mg/bình 4 lít nước, phun 1 tuần/lần, phun liên tiếp liên tục trong 3 tuần, Dragon (5cc) + SK99 (20cc)/bình 8 lít.

Rệp sáp

Rất thích hút nhựa cây Lan kể cả cây nhỏ đến cây lớn, làm cho cây khô héo dần. Rệp sáp thuộc họ Cocoidea, có vỏ cứng màu nâu, lây lan do kiến đem đến. Nó phát triển rất mạnh ở các giàn lan bị che tối, do đó luôn phải có ánh sáng trong giàn lan, thông thoáng và độ ẩm vừa phải. (Nếu có hiện tượng bị rệp sáp cần phơi các chậu Lan ra nắng).

Rầy trắng

Cũng hút nhựa cây làm cây khô héo dần. Nó được bọc bởi một lớp vảy màu trắng mịn và thuộc dòng họ Coccidea. Nếu sớm phát hiện có rầy trắng phá hoại, thì phun lên lá và thân dầu hôi với wofatox. Mỗi tuần phun 1 lần và làm cả mặt dưới lẫn mặt trên lá.

Nếu cây bị nặng, thì gỡ cây khỏi chậu và ngâm trong dung dịch thuốc trên, rửa sạch các vết bẩn rồi trồng lại vào chậu khác. Tiếp tục làm vệ sinh quanh vườn trong giàn (dẫy cỏ, phun thuốc sát trùng và chặt bỏ các cây có thể gây nguồn sâu bọ.)

Sâu

Ấu trùng của các loài Bướm ngày và đêm cũng phá hoại lá hoa Lan khá mạnh (phá hoại lá có Chliaria, phá hoại rễ có loại Creatonotus,Diacrisia) có thể phòng trừ bằng bắt sâu, hay thuốc pha loãng (Malathion, Gam ma BHC…)

Gián

Cắn phá rễ hoa Lan rất nhanh, chúng thường ở ngay trong chậu Lan và lẩn trốn trong các khe than gạch, hoặc di chuyển từ nơi cống rãnh, chân cột giàn lên. Chúng rất thích ăn phần đầu rễ non làm cây bị tổn thương nặng, yếu đuối, tăng trưởng chậm và dễ nhiễm bệnh. Gián rất khó diệt vì chúng lản trốn rất kín, ban đêm mới ra cắn phá.

Thường xuyên kiểm tra các chậu hoa Lan bằng cách ngâm ngập cả chậu vào chậu nước lớn, gián sẽ phải bò ra (kể cả gián con), tốt nhất là dùng mồi có tẩm thuốc để nhử gián, sẽ diệt được cả gián trong chậu lẫn ở xung quanh. Một mẫu nhỏ bánh mì có tẩm thuốc (Zso-proposyl-phenil-N-Methylcarbonate) sẽ diệt được chúng về đêm. Sau đó phải làm vệ sinh toàn bộ nơi trồng hoa Lan không để các chỗ cho chúng ẩn nấp.

Rầy vàng

Có nhiều loại, trong đó chủ yếu thuộc loài Lem pectorallis phá hoại Lan nhiều nhất. Chúng thường làm hại nụ và hoa Lan, bằng cách đẻ trứng trên búp hoa và cắn phá mạnh cả cụm hoa ( ấu trùng lớn màu đỏ vàng và nước tiết ra màu đỏ cam). Do đó mỗi khi cây bắt đầu cho nụ hoa phải kịp thời phát hiện và phun thuốc ngay. Rầy hay giao hoan vào buổi tối do đó nên phun thuốc ngay vào buổi chiều, nó sẽ không hoạt động được.

Rệp đỏ

Rất nhỏ bé, thường cắn mặt dưới lá làm lá có lấm tấm đen rồi rụng (như lá bị tàn nhang). Khi phát hiện có các đám nhỏ di động ở mặt dưới lá già phải có biện pháp xịt thuốc ngay. Dùng Malathion, Dicrotophos hay imethoate phun cách 10 ngày 1 lần và cả 2 mặt lá. Ngoài ra còn có thể thấy ở các vườn hoa Lan các loại Bọ Trĩ (côn trùng châm hút nhỏ có cánh), Rệp bột (cơ thể mềm nhũn)… tất cả đều có thể bị tiêu diệt bằng cách phun thuốc.

Bên cạnh đó, vườn hoa Lan còn có thể bị nhiều loại động vật khác phá hoại như ốc sên, ong, châu chấu, chuột, chim… do đó phải làm vệ sinh thường xuyên cả vườn, lẫn khu vực lân cận, bằng cách xếp gọn gang các thứ vật liệu gây trồng, loại bỏ các vật không cần thiết và phun thuốc Methyl parathion. Mặt khác khi phát hiện ra có sự phá hoại, phải kịp thời ngăn chặn ngay, không để bị tổn thương nặng, cây hoa Lan sẽ rất khó phục hồi.

Chúc bạn có vườn hoa Lan tuyệt đẹp!