CHUYÊN MỤC

Những điều cần lưu ý khi sử dụng phân bón trồng hoa Lan

Bón phân cho hoa Lan nghe chừng rất đơn giản, tuy nhiên chỉ người nào bắt tay vào trồng Lan mới hiểu đó là vấn đề khó khăn vì nhu cầu phân bón đối với cây Lan khác nhau, không những tùy theo loài Lan mà còn tùy theo từng thời kỳ sinh trưởng của mỗi cây Lan nữa. Cho nên muốn sử dụng phân có hiệu quả, ta phải biết đến các điều kiện sinh lý ở cây Lan và công dụng các chất trong phân bón.

Bón phân cho hoa Lan

Bón phân cho hoa Lan

Kỹ thuật bón phân vô cơ khi trồng Lan

Bón phân vô cơ có tỷ lệ đạm cao

Phân này thúc cây phát triển thân, ngôn và lá nhiều hơn là phát triển rễ. Phù hợp cho Lan con, chúng sẽ phục hồi và lớn nhanh chóng sau khi ra khỏi chai nuôi cấy mô. Phân này cũng rất phù hợp đối với những cây đã suy, đang nhảy chồi mới và những cây sau thời kỳ nghỉ đang ra chồi mới.

Ta có thể linh động pha chế tỷ lệ phân tùy theo tình trạng của cây. Thí dụ đang tưới phân 3:1:1, ta thấy cây phát triển tốt nhưng lá quá xanh đậm, chứa quá nhiều nước thì ta có thể thay thế bằng phân 3:2:2 hoặc 2:1:1. Nếu tiếp tục tưới mà đến thời kỳ ra hoa, cây vận chưa cho hoa thì ta tiếp tục giảm N xuống nữa bằng cách dùng phân 1:1:1 hoặc tăng P lên với phân 1:3:1. Việc tăng hay giảm N ở phân không có gì phức tạp.

Bón phân có tỷ lệ lân cao

Phân này kích thích ra rễ, ra hoa, làm cho lá bớt màu xanh thẫm và bớt lượng nước quá nhiều ở trong lá, giúp cây thêm khả năng đề kháng bệnh. Phân này cũng thích hợp cho những vườn Lan ở những nơi râm mát, hơi thiếu sáng. Ở các vườn Lan này, cây Lan có lá xanh, mập chứa nhiều nước, chậm ra hoa, nếu có hoa cũng xấu. Nếu là Dendrobium thì ra chồi nhánh ở ngọn thay cho việc ra hoa, sau đó mới ra hoa.

Việc dùng phân có tỷ lệ P 2 O 5  cao cũng phải thận trọng vì lợi và hại luôn luôn đi đôi với nhau. Nếu dùng phân có tỷ lệ P 2 O 5  cao trong trường hợp cây Lan đã suy yếu do quá thiếu chất dinh dưỡng, sẽ làm cây Lan chậm ra hoa, hoặc có hoa cũng xấu, hoặc chết luôn vì tưới phân như vậy lại làm cho cây Lan càng thiếu N. Vậy ta phải sử dụng P 2 O 5  cao chừng nào cho phù hợp? Điều này đòi hỏi người trồng Lan phải thí nghiệm và tự mình điều chỉnh.

Bón phân có tỷ lệ Kali cao

Phân này có mục đích làm cho cây Lan khỏe mạnh, chịu được khô hạn tốt. Trường hợp thường xảy ra là ở những cây Lan rất khỏe mạnh nhưng bộ rễ rất ít nên về mùa khô, độ ẩm thấp, ta thấy chúng dễ héo đi, nhất là những loài thuộc giống Vanda, Rhynchostylis vì sự thoát nước ở lá nhiều hơn so với sự hấp thu nước ở rễ làm cho cây chậm hay ngừng phát triển.

Để ngăn ngừa hiện tượng trên và giúp cho cây Lan vượt qua thời gian nghỉ trong mùa khô, ta dùng phân có K 2 O cao với điều kiện là phải tưới phân có K 2 O cao ấy trước mùa khô, hoặc 2-3 tháng trước khi có hiện tượng trên xảy ra. So với thực vật khác, Lan cần K 2 O tương đối nhiều hơn. Vai trò của K 2 O sẽ giúp cho màu hoa đẹp, bền. Những cây thiếu K 2 O sẽ có hoa không tươi, chóng tàn. Vậy thời điểm sử dụng phân này là lúc cây bắt đầu có hoa.

Bón phân có tỷ lệ cân đối

Đây là phân có N – P – K bằng nhau về tỷ lệ. Sử dụng phân này ta rất yên tâm vì sẽ không thừa chất này, thiếu chất nọ, thuận tiện cho các vườn Lan công nghiệp (đồng đều). Những vườn Lan mà độ ẩm, nhiệt độ, độ thông thoáng cân đối thì dùng phân tỷ lệ 1:1:1 là lý tưởng nhất.

Nhận biết khi Lan thừa phân bón

Lan thừa phân bón là dấu hiệu của tình trạng bón quá nhiều phân bón, cây Lan sẽ bị còi cọc vì muối đọng trong chậu làm cháy rễ, đầu lá bị cháy. Kinh nghiệm cho biết Lan cần rất ít phân bón vì vậy chỉ nên bón thật loãng và thưa, ngoại trừ Vanda, Dendrobium và địa Lan. Những giống thuần chủng, lan rừng không thích nhiều phân bón. Một số dấu hiệu chứng tỏ cây Lan đang thừa phân bón:

Lá Lan bị cong queo, nhăn nhúm

Khi cây Lan của bạn có lá mềm, không cứng cáp, màu xanh đậm. Lá Lan bị cong queo, nhăn nhúm do thừa phân bón

Lan bị cháy đầu lá

Nếu rễ của Lan đã bị hư hỏng, càng bón phân sẽ làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Nếu rễ không hoạt động tốt, chúng không thể hấp thụ phân bón, và nếu lượng phân bón này không được sử dụng bởi cây Lan, nó có thể tích lũy trong giá thể trồng phong Lan, dưới đáy chậu. Sự tích tụ  các loại muối sẽ tiếp tục có thể làm mất nước và gây thiệt hại cho các rễ còn lại.

Cách khắc phục hiện tượng Lan thừa phân bón

Nếu bạn thấy rằng Lan của bạn đã bị hư hỏng do bón phân quá mức, có một vài điều bạn có thể làm.

  • Hãy tưới nước sạch thật đẫm để loại bỏ muối tích lũy.
  • Thay chậu cho cây bằng cách sử dụng giá thể mới nếu tình trạng dư thừa phân đã quá nặng làm hư hỏng rễ.
  • Tiếp tục tưới nước thường xuyên nhưng ngừng bón phân cho đến khi cây Lan đã khỏe mạnh trở lại.

Với các dòng Lan rừng nếu thiếu phân bón thì cây không bệnh không chết, nhưng thừa phân thì sẽ có vấn đề cho cây, khi bón chúng ta có thể áp dụng bằng cách:

  • Pha loãng phân cho mỗi lần tưới cỡ 1 muỗng cà phê cho 8 lít nước.
  • Với những loại cần nhiều phân thì bổ sung cho chúng ít phân chậm tan để đảm bảo không ảnh hưởng tới các cây khác.
  • Khi bón thì phun nước trước khi phun nước có pha phân bón.
  • Khoảng 10 ngày 1 lần bón là hợp lý.
  • Chúng ta cần chú ý cả thời điểm nghỉ của cây, tránh bón lúc cây nghỉ làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học của chúng.

Nếu bạn có vườn Lan ngoài trời thì cũng chú ý các cơn mưa rào mùa hè, vì chúng cũng đã được cung cấp khá nhiều đạm sau những trận mưa như vậy.

Kỹ thuật bón phân cho Lan ra hoa

Tỉ lệ phân bón cho cây Lan

Thường người ta sử dụng 4 tỉ lệ phân như sau:

  • Tỷ lệ: 1:1:1 tỉ lệ N:P:K bằng nhau
  • Tỷ lệ: 3:1:1 tỉ lệ N cao
  • Tỷ lệ: 1:3:1 tỉ lệ P cao
  • Tỷ lệ: 1:1:3 tỉ lệ K cao

Ngoài ra, còn rất nhiều tỉ lệ khác như: 3:1:2; 3:2:1…

Nồng độ phân cho cây hoa Lan

Trong mỗi tỷ lệ, nồng độ 3 chất N, P, K cũng thay đổi. Ví dụ: Theo công thức của LeConfle (1981) ta có:

  • Công thức cao: 30-10-10 (50) tỷ lệ 3:1:1 cho cây Lan tăng trưởng và ra lá.
  • Công thức thấp: 10-18-10 (38) tỷ lệ 1:2:1 cho cây Lan ra hoa.
  • Công thức thấp: 10-10-20 (40) tỷ lệ 1:1:2 cho cây Lan ra rễ.

Tuy nhiên, lượng phân bón này hết sức linh động, nó phụ thuộc thời tiết, độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ,… tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây mà điều chỉnh cho thích hợp. Bên cạnh đó người ta còn sử dụng phân bón hữu cơ và các nguyên tố cần thiết khác.

Có nhiều loại phân hữu cơ như: nước tiểu, phân động vật, xác bã động vật, hạt đậu tương ngâm… Các loại phân hữu cơ này rất tốt đối với Lan nhưng khi dùng phải chú ý đến cách tưới, nồng độ tưới, tránh gây hại cho lan (với phân động vật và xác bã động vật phải ngâm ủ cho hoai mục), tránh làm ngộ độc lân.

Cách tưới phân cho hoa Lan

Có rất nhiều cách tưới phân nhưng nguyên tắc chung là khi tưới phải đạt được hai yêu cầu sau:

  • Tưới phân cho cây hấp thụ được nhiều nhất.
  • Tưới phân cho kinh tế nhất.

Như ta đã biết, rễ là cơ quan chính hấp thụ nước và muối khoáng cho cây, ngoài ra lá cũng có khả năng hấp thụ nước và muối khoáng, nhất là trường hợp lan con. Nhưng đối với lan lớn, việc hấp thụ qua lá không đủ dinh dưỡng cho sự sinh trưởng và phát triển của cây. Vì vậy phải tưới làm sao cho rễ có thể hấp thụ dinh dưỡng thuận lợi nhất.

Nếu tưới phân như tưới nước thì phải sử dụng quá nhiều phân, không tiết kiệm được phân. Muốn đạt được hai yêu cầu trên cùng một lúc, theo kết quả đã đạt được trong những năm qua, trước khi tưới phân ta nên tưới qua một lượt nước làm cho chất trồng dễ dàng thấm phân không bị chảy tuột đi. Như vậy sẽ tiết kiệm được 1/2 lượng phân. Nên tưới phân vào buổi sáng sớm hay lúc xế chiều, không nên tưới phân vào buổi trưa. Khoảng cách của các lần tưới phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện khí hậu, chất trồng, tình trạng cây, loại phân, nồng độ phân…

Bình thường tưới một lần trong một tuần nhưng nếu vườn lan râm mát thì khoảng cách dài hơn (10-15 ngày/lần). Ngược lại, vườn Lan có nhiều ánh sáng có thể tưới 2 lần/tuần. Sau khi tưới phân nên tăng lượng nước tưới của ngày sau đó để rửa bớt muối còn đọng lại, tránh ảnh hưởng bất lợi cho Lan.

CÁC TIN LIÊN QUAN